05 tháng 8 2006

Lập trình viên hay không?

Hôm nay online thì đọc được bài viết này, Làm lập trình viên hay không làm lập trình viên. Nếu bạn đang học về IT hay mong muốn trở thành lập trình viên, có thể bạn sẽ thích đọc bài viết đó, việc đó sẽ rất có ích. Nói chung thì bài viết cũng khá thú vị đối với một đứa đang mơ mộng trở thành một developer như mình, và có lẽ là cũng rất thụ vị với nhiều người khác nữa (bằng chứng là thời điểm này đã có tới hơn 70 comments trên blog). Sau khi đọc xong bài viết, tự nhiên muốn thử làm một bài kiểm tra xem nghề lập trình viên có hợp với bản thân mình không.

Đây là lần đầu tiên mình nhìn lại con đường đã chọn, chỉ mới bước đi được một quãng quá ngắn nên không thể nói đựoc mình đã đúng hay sai, không thể biết liệu con đường trước mặt sẽ dẫn tới một đại lộ thênh thang rộng mở hay chỉ là một con đường cụt tối tăm. Cách đây hơn một năm, khi câu hỏi trường nào, khoa gì được đưa ra, mình đã không một chút ngần ngại lựa chọn, một và chỉ một hồ sơ. Khoa CNTT, ĐHBK HCM, đó là nơi mình sẽ học, chắc chắn là như vậy. Không cần quan tâm điểm chuẩn năm ngoái thế nào, tỉ lệ chọi cao không hay thậm chí xa xôi hơn là liệu sinh viên khoa đó ra có kiếm được việc làm hay không. Chỉ biết, mình không thể rớt được, mình phải học ở đó. Tuy nhiên, thực sự thì mình quyết tâm như vậy vì cái gì, mình cũng chẳng rõ nữa, trước đó mình chẳng hề biết chút gì về ngôi trường này, về khoa CNTT này cả, chưa từng hình dung việc học ở đây sẽ ra sao và mình có thích hợp với nó không. Suy nghĩ lúc đó thật đơn giản biết bao, muốn lập trình thì phải học CNTT, muốn học CNTT thì phải học ở Bách Khoa và nếu học ở TP HCM thì mình sẽ có nhiều cơ hội hơn là Hà Nội, có khả năng tiếp xúc với công việc sớm hơn, nhiều hơn. Giờ đây, sau khi đọc bài viết trên, câu hỏi đặt ra là: Cái nghề lập trình viên nghe có vẻ lắm gian nan này có hợp với mình không? Chỉ có một cách duy nhất để trả lời câu hỏi này là xem xét tại sao, những yếu tố nào khiến mình lại muốn làm lập trình viên và liệu thực tế có đúng như vậy hay không.

Tại sao tôi muốn làm lập trình viên?

Câu hỏi cơ bản nhất nhưng không dễ trả lời chút nào với mình. Lập trình viên có thu nhập cao chăng? Đây là thứ mình hay nghe nhất từ mọi người, rằng nghề này đang là nghề "hot" trong xã hội, rằng học ra trường là có việc làm ngay, lương tháng 5-6 triệu là quá bình thường. Chao ôi, quá đã :D! Dẫu cho là cứ như trong bài viết của anh Nam, "lương khởi điểm thì cao nhưng tăng không nhanh, có tăng thì cũng tăng không nhiều" thì cái mức lương khởi điểm đó khi đem so sánh với lương của ba mình, một cán bộ đã làm việc cần mẫn hơn 30 năm, vẫn lớn hơn gấp 3 lần. Và không biết sẽ là lớn hơn bao nhiêu lần khi đem so với rất, rất nhiều người khác trên đất nước Việt Nam nghèo đói này. Tuy nhiên, đó không phải là lý do. Hầu hết viễn cảnh về cái nghề mình đang theo đuổi là mình được nghe từ sau khi bước vào giảng đường, từ chính những người cũng đang học cùng với mình. Nó chẳng hề có ý nghĩa gì với mình khi đặt bút viết vào hồ sơ thi ĐH mà chẳng hề biết rằng mình đã lựa chọn một nghề rất "giàu". Mà có lẽ, nếu muốn có nhiều tiền, muốn làm giàu thì mình đã thi vào một trường khác rồi, Kinh tế hay Ngân hàng chẳng hạn, hay thê thảm hơn (hay tốt hơn chăng) là tìm mọi cách kiếm một cô nào giàu có về làm vợ :D. Tiền rất quan trọng nhưng chẳng phải là tất cả, nhiều tiền không phải có thể làm được mọi việc (nhưng nếu là rất rất nhiều tiền thì mình không chắc lắm,hehe).

Thử đặt ra lý do thứ hai, lập trình viên là một nghề nhẹ nhàng mà vẫn kiếm được tiền ư? Làm việc trong những công ty to đẹp, hằng ngày chỉ việc ngồi trong một căn phòng mát lạnh, trước một cái máy vi tính hiện đại, làm những công việc đơn giản mà cấp trên giao phó hay thậm chí là tự do viết một phần mềm theo ý tưởng của bản thân. Thật là một cảnh tượng đáng mơ ước, tiếc thay sự thật lại đầy trái ngược (sự thật ở đây chỉ là cái mà mình cảm nhận về hoàn cảnh làm việc của tác giả trong bài viết trên, vì mình chưa từng vào nơi làm việc của một công ty phần mềm nào cả nên đành dựa vào miêu tả của người khác). "Không khí âm u, hoàn toàn không có ánh sáng tự nhiên, ..." mình thực sự ngạc nhiên và khó hiểu khi đọc tới phần này, người ta bịt hết cửa sổ để làm gì nhỉ, ngăn ngừa đối thủ cạnh tranh đọc trộm code bằng ống nhòm ư? Ngoại trừ chi tiết này và việc "...người ta chỉ quan tâm đến công việc có được hoàn thành hay không, chứ không cần chú ý đến chất lượng..." (thật ư??), những điều còn lại cũng không khác quá nhiều so với tưởng tượng trước đây của mình về môi trường làm việc. Lập trình chẳng bao giờ là một công việc dễ dàng cả, đã từng có những ngày mình khom lưng code với một cái máy vi tính phải đặt giữa nền nhà vì không có bàn, code dưới cái nóng giữa trưa hầm hập của Sài gòn khi mà chỉ có một cái quạt nhỏ trợ giúp, đã từng có những đêm thức tới 2-3h sáng chỉ để căng mắt tìm và fix một cái bug chết tiệt nào đó. Thưởng ư, đâu có ai thưởng cho tôi khi mà đã bỏ ra mất mấy ngày chỉ để viết lại cái trò Minesweeper của bác Bill bằng Java, hay là khi tôi cũng mất chừng đó thời gian để viết một trang HTML nhỏ xíu để thử xem Ajax là cái gì. Có chăng chỉ là đôi chút cảm giác tự hào hay thích thú với những tác phẩm nhỏ nhoi của mình, là cảm giác vui vui khi thấy có người hăng hái chơi cái mini game "Đập chuột" bằng Flash của mình hay một người nào đó còn vô tư sửa nó lại thành của họ :D. Một công việc nhẹ nhàng là cái mà mình đã không hề mong chờ ở nghề lập trình viên.

Tới đây thì câu trả lời đã dần dần hiện rõ đối với mình, mình muốn làm lập trình viên chỉ vì mình thích được lập trình và mình muốn được lập trình. "Làm phần mềm thật là vui", đúng là như vậy. Chưa bao giờ mình cảm thấy vui vì làm xong một bài toán, bài văn, hay bất cứ môn nào khác, tất cả chỉ đơn giản là mình cần phải làm điều đó, và mình làm, thế thôi. Được xem là một học sinh giỏi toán, tham dự hết kì thi này tới kì thi khác rồi vào học lớp chuyên toán của trường chuyên tỉnh, thế nhưng, mình chưa bao giờ yêu thích môn toán cả, chưa bao giờ vui vẻ vì được học toán và làm toán cả. Có chăng thì cũng chỉ là đôi ba lần vui vẻ vì được thõa mãn cái sự hiếu thắng của bản thân khi thấy mình làm được một bài toán trước người khác mà thôi (có lẽ vì thế mà càng ngày mình càng kém toán chăng?). Mà thực ra mình vào lớp toán cũng chỉ vì sự hiếu thắng mà thôi, chỉ vì không muốn vào lớp tin khi được biết thực sự là những người không đậu vào toán thì sẽ được vào lớp tin (một sự vô lý đáng ghét, ngu ngốc). Ngoài lề một chút: tuy là vậy nhưng mình không hề hối hận vì đã học lớp toán mà ngược lại, vô cùng hạnh phúc với quyết định của mình. Quay lại vấn đề, lập trình thì lại khác rất nhiều. Kể từ lần đầu tiên khi chỉ đơn giản viết lại nguyên xi một đoạn chương trình Pascal (có tác dụng biến máy vi tính thành đàn pinano, nhấn vào một trong mấy phím nào đó thì nó phát ra âm thanh) thấy trong sách GK của anh vào máy cho tới bây giờ thì cái cảm giác khi nhìn chương trình của mình viết hoạt động vẫn không hề thay đổi. Đó là một chút gì đó hồi hộp háo hức khi nhấn Enter và rồi sau đó là thở phào nhẹ nhõm, là lâng lâng tự hào khi nhìn lại tác phẩm do mình làm ra, là cảm thấy mình thật giỏi khi bắt cái máy ngu ngốc này làm việc đúng như ý muốn, là vừa mừng rỡ vừa buồn cười khi phát hiện ra cái lỗi mà mình mất công tìm kiếm nãy giờ hóa ra lại vô cùng đơn giản,... Một thằng bạn đã từng cười bảo mình rằng mày viết ra mấy thứ vớ vẩn đó thì được cái gì, chẳng ai biết tới chúng mà cũng chẳng ai cần chúng, viết xong thì nó vẫn nằm trong máy mày cho tới ngày bị xóa đi mà thôi. Ừ, cũng có thể như vậy thật đấy, nhưng mà đó chẳng hề là điều mà tôi quan tâm, tôi lập trình chỉ đơn giản vì sở thích, vì đam mê mà thôi. Những chương trình cỏn con tôi viết ra hôm nay có thể sẽ chỉ có tác dụng đối với tôi, hay thậm chí là chẳng có tác dụng gì nhưng vẫn là một tác phẩm của tôi, vẫn là kết quả của niềm vui lập trình. Để rồi, biết đâu một ngày nào đó khi tôi đã thành một developer thực sự, những đoạn code ngây ngô đó sẽ được hiện diện trong một dự án tính bằng "đô" nào đó thì sao. Không ai cấm ta mơ cả và sẽ chẳng có gì tuyệt hơn được làm điều mà mình yêu thích.

Tới lúc này thì yếu tố thực tế nghề lập trình viên như thế nào đã trở nên chẳng mấy quan trọng nữa rồi. Có một câu nói của thầy chủ nhiệm cấp 3 mà mình thấy rất đúng trong hoàn cảnh này:"Đề thi của mình thì luôn luôn khó hơn đề của người khác". Nghề nào mà chẳng có những khó khăn của mình mà chỉ người trong cuộc mới thấy nhưng đồng thời nghề nào mà không có cái hay riêng, không có nghề nào là đơn giản cả (vì nếu có thì chắc chẳng còn ai làm nghề khác cả). Hãy tin tưởng vào con đường mình đã chọn vậy.

Những suy nghĩ vẩn vơ đã không còn sắp xếp và diễn đạt được nữa rồi và bài viết có lẽ cũng nên đi đến hồi kết.
Dù sao đi nữa thì Trái đất vẫn quay và mình thì vẫn lập trình.

0 Comments:

Post a Comment




 

Copyright 2006| Blogger Templates by GeckoandFly modified and converted to Blogger Beta by Blogcrowds.
No part of the content or the blog may be reproduced without prior written permission.