04 tháng 7 2006

Kì thi ĐH và một người ngoài cuộc


images1023449_24
Vậy là một kì thi ĐH nữa lại bắt đầu. Mới 1 năm trước đây, cũng vào hôm nay, mình cũng chỉ là một trong hơn nửa triệu sĩ tử lao đầu vào cái cuộc thi được xem là quyết định cả cuộc đời này. Năm nay, mình chỉ là một kẻ ngoài cuộc, có thể tự do xem WorldCup mới thấy mình may mắn hơn bao người.

Sáng nay chở Trung đi thi mới thấy, cái kì thi quái quỷ nay làm khổ không biết bao nhiêu người chứ không chỉ mình. Học sinh đi thi mệt, giáo viên coi thi, chấm điểm mệt, phụ huynh cũng mệt,... chắc chỉ có mấy người làm dich vụ, cho thuê trọ là cám ơn nó thôi.

images1023419

Cái áp lực phải vào ĐH quả là vô cùng lớn, người người muốn vào ĐH, nhà nhà muốn con mình vào ĐH. Việc vào ĐH được rất nhiều người xem như là yếu tố quyết định cuộc đời thành công hay thất bại (môphật, có cả mẹ của mình trong số đó), vì thế dễ hiểu là mọi người sẵn sàng dồn tất cả sức lực của mình để cho con vào ĐH. Các bậc phụ huynh sẵn sàng từ bỏ công việc, đi theo chăm sóc con cái, tất cả chỉ để con mình có thể vào ĐH. Rồi còn học thêm học bớt, luyện thi này nọ, vô số trung tâm luyện thi mọc lên như nấm sau mưa thì không biết có bao nhiêu chỉ là kẻ lừa đảo? Bao nhiêu tiền đã đổ ra cho giấc mộng ĐH?

Nhưng nói là vậy thôi chứ theo ý mình thì dù tốn kém cho XH rất nhiều nhưng không thể bỏ kì thi này được, chừng nào mà kì thi tốt nghiệp THPT vẫn chỉ là một bài tập viết mà thôi. Chỉ có thi ĐH thì mới phản ánh đúng được trình độ của học sinh mà thôi. Là một kẻ trong cuộc, mình có thể hiểu được cái gì gọi là thi tốt nghiệp. Một bài thi đôi khi không phải làm bởi một người mà là bởi cả phòng, phòng nào có học sinh giỏi thì y như rằng cả phòng sẽ làm bài tốt, giám thị nhiều khi chỉ là những con bù nhìn biết đi, để mặc, làm ngơ thậm chí là tiếp tay. "Căn bệnh thành tích" được xem là một nguyên nhân chính của điều đó, tuy nhiên theo mình thì chính "căn bệnh không dám nói" mới là nguyên nhân của sự việc. Việc đó đâu có hại gì cho mình đâu, đó là việc của họ, chuyện đó luc nào mà chả vậy, nói làm gì cho nó thêm phiền phức vào mình,... chính cái tư tưởng đó đã làm nên một nền GD ngày càng "cải lùi" của chúng ta. Chúng ta không dám nói, không muốn nói tới những chuyện đang xảy ra xung quanh ta chỉ trừ phi nó ảnh hưởng tới lợi ích của chúng ta, chúng ta đang quá ích kỷ và hèn nhát. Và cả một thế hệ người Việt trẻ mắc căn bệnh này (trong đó có cả tôi) đã làm cho Việt Nam vẫn chỉ là một đất nước "có nhiều tiềm năng" nhưng chẳng ai biết, chẳng phát huy được cái gì. Than ôi, liệu mình có nhận ra điều đó quá muộn không và liệu mình có thể thay đổi bản thân hay không?

12 năm ngồi trên ghế nhà trường, cái nền GD nhồi nhét này đã để lại cho mình được những gì? Trưa nay cầm cái đề Toán trên tay mà thấy ngạc nhiên sao năm ngoái mình lại có thể làm nó vèo vèo được nhỉ, không biết tối nay đọc cái đề Lý liệu mình có thể hiểu được bao nhiêu đây? Bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu người như mình? Học chỉ để mà thi, học cốt chỉ để có kết quả tốt, thi xong là hết, quên sạch, không vấn vương chút gì. Có ai nhớ chút gì về những điều mình đã học năm lớp 10, 11 và trước đó không vậy? GDCD, Lịch sử, Địa lí, Văn học,... có ai nhớ mình đã học cái gì không vậy hả những người bạn của tôi?

Chỉ ngồi chờ thôi mà mình cũng đã mệt mỏi lắm rồi, không biết Trung ra sao nhỉ? Còn khoảng một tiếng nữa là xong môn Lý, vậy là xong 2 môn. Làm bài tốt nha Trung, những người bạn khác của tôi cũng vậy nhé.

0 Comments:

Post a Comment




 

Copyright 2006| Blogger Templates by GeckoandFly modified and converted to Blogger Beta by Blogcrowds.
No part of the content or the blog may be reproduced without prior written permission.